Trám răng
Trám răng (Hàn răng) có thể hiểu một cách đơn giản là dùng vật liệu đặc biệt để khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng.
Chỉ định
Trám răng được thường sử dụng trong các trường hợp sau:
– Sâu răng: dùng vật liệu trám để bịt kín lỗ sâu răng, ngăn không cho vi khuẩn hoặc các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, hoá chất tấn công, huỷ hoại tuỷ răng.
– Chấn thương: trong các tình huống tai nạn khiến cho răng gẫy hoặc vỡ thì vật liệu trám được sử dụng để tái tạo lại hình dáng ban đầu, đồng thời đảm bảo tốt chức năng nhai của răng.
– Mòn răng: trường hợp đánh răng quá mạnh, dùng bàn chải lông cứng, khiến cho lớp men răng ở bề mặt cổ răng bị khuyết đáng kể, lộ lớp ngà răng, gây nhạy cảm khi ăn uống đồ nóng hoặc lạnh. Khi đó người ta có thể trám vết mòn, bảo vệ lớp ngà răng.
– Nhu cầu thẩm mỹ: với những răng có màu sậm, kém thẩm mỹ, có thể sử dụng chất trám răng có màu sáng hơn để bao bọc bề mặt răng đắp lên bề mặt răng nhằm cài thiện màu cho răng.
Quy Trình:
Trước tiên có thể Bác sĩ sẽ gây tê nếu cần, sau đó làm sạch những vụn thức ăn, tổ chức ngà sâu trong lỗ sâu, Bác sĩ dùng mũi khoan để tạo hình xoang trám thích hợp cho từng loại vật liệu trám và trám răng.
Có 2 cách để thực hiện một miếng trám :
– Trám trực tiếp: Vật liệu trám được trám trực tiếp trên răng ngay sau khi tạo xoang. Miếng trám bằng Amalgam, các loại trám thẩm mỹ giống màu răng thường được trám trực tiếp trên miệng và thường có thể hoàn thành trong một buổi hẹn.
Trám gián tiếp: Sau khi tạo hình xoang trám Bác sĩ sẽ lấy dấu răng, đổ mẫu hàm và gửi đến labo. Các kỹ thuật viên tại labo sẽ điêu khắc và làm ra miếng trám một cách thật chính xác. Sau đó ở lần hẹn kế tiếp bác sĩ sẽ thử và gắn miếng trám vào răng bằng vật liệu dán dính. Phương pháp này thường mất tối thiểu là 2 buổi hẹn hoặc hơn. Các loại onlay, inlay bằng kim loại, vàng, composite hoặc sứ áp dụng cho phương pháp này.